Trang chủ / Dự án hợp tác / Đánh giá và hướng dẫn triển khai mô hình nhà và chỗ ở an toàn

Đánh giá và hướng dẫn triển khai mô hình nhà và chỗ ở an toàn

Sáng nay (ngày 25/10), T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đánh giá và hướng dẫn triển khai mô hình nhà và chỗ ở tan toàn của Hội CTĐ Việt Nam trong ứng phó với thiên tai, thảm họa.

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hằng năm phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, thảm họa khốc liệt. Trong đó, bão lũ là hai loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và nguy hiểm nhất, gây hậu quả nặng nề, đặc biệt là cho những người dân sinh sống tại các vùng trũng, thấp, khu vực ven biển hay đồng bằng. Mô hình “Nhà chữ thập đỏ” đã được triển khai thành mô hình “Làng Chữ thập đỏ” như tại Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau; tại Khunk Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum… và một số mô hình nhà an toàn như nhà nổi chống lũ, lụt (tại tỉnh Quảng Bình), nhà kiên cố chống bão, lũ (tại Huế, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung) đã được các cấp Hội triển khai.

IMG_1372
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Mô hình “Nhà Chữ thập đỏ”, trong đó mô hình “Nhà an toàn, phòng tránh thiên tai” là mô hình tự phát trong các cấp Hội từ nhu cầu thực tiễn của địa phương. Hiện nay, T.Ư Hội chưa nghiên cứu, đánh giá toàn diện và cũng chưa đưa ra được mô hình thích hợp cho từng địa phương để nhân rộng ra toàn quốc. Để phát huy thế mạnh cũng như kinh nghiệm của các cấp Hội đã thực hiện trong những năm qua, cần phải có một đánh giá toàn diện triển khai tại các địa phương. Từ đó đưa ra mô hình mẫu đối với từng loại hình thiên tai phổ biến cho từng vùng đặc trưng, xem xét cả yếu tố kinh tế, điều kiện sống, tập quán của từng vùng, dân tộc là hết sức cần thiết.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Trung Kiên – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thiên tai và Môi trường đã trình bày đánh giá tổng quan về thực trạng triển khai nhà ở an toàn của Hội CTĐ Việt Nam tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ trong thời gian vừa qua. Đồng thời, trình bày hướng dẫn triển khai mô hình nhà ở/ nơi ở an toàn của Hội CTĐ Việt Nam trong ứng phó với thiên tai thảm họa.

Theo đó, những thông tin quan trọng về xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai, thảm họa; Các yêu cầu tối thiểu xây dựng nhà ở trong giai đoạn phục hồi và tái thiết đối với một số loại hình thiên tai; Hướng dẫn bộ dụng cụ sửa chữa, gia cố nhà phòng chống thiên tai đã được ông Kiên trình bày để các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến. Đa số các đại biểu tham gia hội nghị đều thống nhất với báo cáo mà TS. Vũ Trung Kiên đã trình bày. Nhiều đại biểu cho rằng, phải đưa ra những mô hình nhà để áp dụng với từng loại hình thiên tai; Chọn địa điểm xây dựng nhà an toàn; tìm nguồn kinh phí để xây dựng…

IMG_1367
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Mô hình “Nhà Chữ thập đỏ” đã được Hội CTĐ Việt Nam các cấp triển khai trong những năm qua, thu được kết quả và hiệu ứng tốt, được các cấp ủy, chính quyền, người dân quan tâm ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao. Giai đoạn 1 (2007-2011), đã xây dựng được 21.972 căn nhà, tổng kinh phí là 412,78 tỷ đồng. Trong đó số lượng nhà phòng chống thiên tai xây dựng được là 2.475 nhà, trị giá 69,2 tỷ đồng, chiếm 11,26% tổng số nhà. Giai đoạn 2 (2012 – đến nay), xây được 24.401 căn nhà, trị giá 691.756 tỷ đồng. Trong đó số lượng nhà phòng chống thiên tai xây dựng được là 2.119 căn, trị giá 77,4 tỷ đồng, chiếm 8.68% tổng số nhà và 11.2% tổng số tiền. Nhìn chung hiệu quả của các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà của các cấp Hội thực hiện ở cả 2 giai đoạn đã đạt được kết cao, đặc biệt đối với các hộ hưởng lợi.

Chương trình nhà và chỗ ở an toàn của Hội CTĐ Việt Nam đã được xây dựng 10 năm nay, đã mang lại hiệu quả lớn cho cộng đồng. Hội CTĐ Việt Nam là tổ chức dân sự duy nhất ở Việt Nam có hệ thống ứng phó với thiên tai ở 4 cấp. Đặc biệt, chương trình nhà và chỗ ở an toàn đã thực hiện theo định hướng, thế mạnh của Hiệp hội CTĐ – TLLĐ quốc tế. Đồng thời chúng ta đã đi đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và định hướng của Hội CTĐ Việt Nam là hướng đến cộng đồng an toàn. Do vậy, việc khảo sát, đánh giá để đưa ra cẩm nang hướng dẫn triển khai mô hình nhà ở/nơi ở an toàn của Hội CTĐ Việt Nam là cơ cở để nhà đầu tư, người dân, cũng nhưng các tổ chức xã hội có thể sử dụng được. Hội CTĐ Việt Nam cũng đang cố gắng hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để xuất bản được cuốn sách này.

Nguồn: Hồng Loan - Báo Nhân đạo và Đời sống

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn