Trang chủ / Tin mới / Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức từ BĐKH

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức từ BĐKH

Chủ tọa phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững ĐBSCL và diễn giả Hyeok Jeong (Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hà Nội năm 2018 chiều ngày 10/11 đã diễn ra phiên đối thoại chính sách với chủ đề “Phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu”

Diễn đàn Hà Nội với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó BĐKH để đảm bảo Bền vững và An ninh” do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

“Phát triển bền vững  đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH” là một trong 2 phiên đối thoại chính sách, bên cạnh “Phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao ở đồng bằng sông Hồng”.

Đồng chủ tọa phiên đối thoại chính sách gồm TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT); TS Alex Smajgl, Viện trưởng Viện Nghiên cứu về tương lai vùng ĐBSCL và PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ). Phiên đối thoại có gần 150 chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng các đại biểu đến từ các tỉnh vùng ĐBSCL tham dự.

Một cuộc họp tiểu ban tại Diễn đàn Hà Nội 2018

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày 11 báo cáo khoa học về nguyên nhân, diễn biến các tác động của hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn, chất lượng đất, nước, phát triển thủy điện… Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH nước biển dâng, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế ở vùng ĐBSCL.

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của người dân. Bên cạnh đó việc khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái tự nhiên, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển; việc khai thác cát, sỏi quá mức đã làm gia tăng sạt lở trong thời gian qua.

Phát biểu đề dẫn tại phiên đối thoại chính sách, ông Trương Đức Trí khẳng định, ĐBSCL là một trong số ít đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động nặng nề của BĐKH, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã đề cập đến phát triển bền vững ĐBSCL. Gần đây nhất, vào cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Tóm lược các kết quả đạt được của phiên đối thoại chính sách, ông Trí ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế với sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của ĐBSCL. Nhiều kết quả nghiên cứu có cơ sở khoa học vững chắc đã đóng góp cho việc xây dựng các chính sách phát triển bền vững. Ông Trí cũng nhấn mạnh, bên cạnh thách thức do BĐKH, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gia tăng dân số, phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công hay việc chặt phá rừng đầu nguồn, rừng nhập mặn ven biển cũng là những thách thức to lớn đối với ĐBSCL. Do vậy, cùng với việc nghiên cứu nguyên nhân, diễn biến và đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước các thách thức nêu trên, các chuyên gia, các nhà khoa học cần tiếp tục đánh giá phản biện cho những công trình, dự án theo hướng phát triển nhưng không làm suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học và phù hợp với quy luật tự nhiên.

    

Ông Trí đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu khả năng chuyển đổi từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước mặt nhằm hạn chế sụt lún, nhiễm mặn, sử dụng nước mặt tự nhiên sang việc chủ động tạo vùng trữ lũ dọc sông, kênh trục chính nhằm khắc phục tình trạng hạn hán vào mùa khô, điều hòa khí hậu, phát triển sinh kế, chuyển đổi sinh kế từ việc dựa vào hệ sinh thái nước ngọt sang hệ sinh thái nước mặn, lợ nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng.

Bên cạnh đó cần tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại đối với ĐBSCL, thay đổi tư duy phát triển và tìm ra mô hình phát triển mới, trong đó xác định nước lợ, nước mặn cũng chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận để phát triển kinh tế, theo đó việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đưa ra các giải pháp cụ thể là rất quan trọng ở vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

 

Nguồn: monre.gov.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn