Trang chủ / Tin mới / Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phòng chống sạt lở đồng bộ, lâu dài cho ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phòng chống sạt lở đồng bộ, lâu dài cho ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 15/5/2017, tại tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng chống sạt lở.

Sạt lở đất đang diễn ra nghiêm trọng

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hiện nay tại vùng ĐBSCL có 406 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài 891km, trong đó có những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như vụ sạt lở bờ sông tại sông Vàm Nao với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, 91 căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, cắt đứt tuyến giao thông liên xã; sạt lở bờ sông Tiền xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chiều dài 600m, uy hiếp 108 phải di dời khẩn cấp và 119 hộ bị ảnh hưởng; Sạt lở kè Gành Hào, huyện Đông Hải,  Bạc Liêu làm đứt gãy dầm mủi hắt sóng 47m, diện tích kè bị mất trên 800m; sạt lở đất ở khu vực rạch Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau làm sập 2 tuyến đường 2 bên tuyến rạch, uy hiếp ổn định Đồn biên phòng Đất Mũi và nhiều hộ dân;... đối với diện tích rừng trong 5 năm trở lại đây (từ 2011-2015) ở vùng ĐBSCL giảm 10% tương đương với 28.387ha.

An Giang là một trong những tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở, báo cáo của UBND tỉnh An Giang cho thấy, năm 2010 sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xâm thực vào quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, với chiều dài 150m; năm 2012 sạt lở tại phường Bình Đức- TP. Long Xuyên với chiều dài 80m; năm 2014 sạt lở tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, TX Tân Châu với chiều dài 100m làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trong khu vực....

Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 162.550m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân. Hiện nay, tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, trong 5 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 15 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở huyện An Phú, huyện Chợ mới, TX. Tân Châu..., với chiều dài sạt lở 1.224m, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông  cùng với nhiều tài sản, công trình hạ tầng khác, đã di dời khẩn cấp 136 căn, đồng thời phải di dời thêm các hộ dân vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Để phòng chống sạt lở cũng như hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sạt lở, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các Sở, Ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, vật dụng và các thiết bị, hàng hóa có tải trọng lớn nằm trên khu vực đã và đang sạt lở đến nơi ở mới an toàn..." nhằm ổn định, bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, tỉnh An Giang kiến nghị với Chính phủ ưu tiên hỗ trợ tỉnh 820 tỉ đồng để đầu tư các cụm tuyến dân cư vùng sạt lở giai đoạn 2017-2020 để di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở..."- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh kiến nghị.

  

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc chiều ngày 15/5 - Ảnh: Chinhphu.vn 

Phải khảo sát, điều tra, đánh giá tổng thể các nguyên nhân sạt lở

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: ĐBSCL là một trong những khu vực chịu nhiều tác động tiêu cực nhất của BĐKH. Do vậy, ngoài việc thực hiện các chính sách, pháp luật chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh ĐBSCL còn được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo triển khai thực một số chương trình như: Rà soát, công bố các kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết đến cấp xã, tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn; phân bổ kinh phí, triển khai xây dựng nhiều công trình, mô hình... thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm ứng phó với những tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào các giải pháp phi công trình như trông rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng cường hấp thụ khí nhà kính, bảo vệ hệ thống đê, kè ven biển tạo sinh kế cho người dân bản địa... Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các dự án ứng phó với biển đổi khí hậu. Trong đó, các tỉnh vùng ĐBSCL được đề xuất 09 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 945 tỉ đồng; bổ sung 15 dự án mở mới với tổng số vốn đầu tư là 7.162 tỉ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 3.230 tỉ đồng.

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sơ bộ nhân định một số nguyên nhân đã gây ra các vụ sạt lở nghiêm trong trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và sạt lở tại bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nói riêng là do các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ...

 

    

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khảo sát vùng sạt lở tại An Giang sáng ngày 15/5. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc lựa chọn giải pháp phù hợp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phụ thuộc vào điều kiện địa chất, địa hình, mực nước, tốc độ dòng chảy và tình trạng sạt lở của từng khu vực riêng. Cần có những nghiên cứu khảo sát cụ thể. Để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp trước mắt và lâu dài cần triển khai.

Giải pháp trước mắt, tỉnh An Giang triển khai ngay việc hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để đảm bảo sớm ổn định đời sống. Triển khai ngay một số giải pháp mềm như sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tre, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thuỷ gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học. Để tăng hiệu quả và khả năng chống sạt lở cho khu vực cấp thiết này, nên kết hợp các cuộn xơ dừa ở ngay phía trên các rọ đá này. Trong hệ thống cuộn đá - cuộn xơ dừa này thì các cuộn đá và cuộn xơ dừa được cố định bằng các cọc gỗ đi xuyên qua lớp lưới vỏ bọc của cuộn đá và cuộn xơ dừa và đóng sâu vào đất.

Tùy vào địa hình khu vực mà có thể dùng số lượng đá tảng với kích cỡ phù hợp để chặn trước cuộn đá, làm tăng tính ổn định cho cuộn đá. Ngoài ra, tuỳ theo địa hình đáy sông và mực nước, có thể thiết kế nhiều cuộn đá, để đảm bảo độ cao thích hợp cho cuộn xơ dừa ở phía trên. Nên sử dụng các cuộn xơ dừa đã tích hợp sẵn thực vật để hệ thống có khả năng đạt được hiệu quả nhanh chóng. Những lỗ hổng khi đặt cuộn xơ dừa lên phía trên cuộn đá phải được lấp đầy bằng đất, cát hoặc đá cuội, tuỳ theo thổ nhưỡng của khu vực để giúp cho hệ thống vững chắc hơn. Phía sau cuộn xơ dừa có thể tích hợp giải pháp thảm thực vật. Có thể sử dụng thảm thực vật đã được chuẩn bị sẵn sẽ tiết kiệm được thời gian đạt hiệu quả của hệ thống. Khu vực sau đó nếu như còn diện tích thì có thể gieo hạt giống hoặc trồng cây non để gia cố cho bờ sông.

Tiến hành đồng bộ các giải pháp phi công trình như thăm dò để khai thác cát ở những khu vực cần thiết giúp chỉnh trị dòng chảy; nạo vét đáy sông; chỉnh trị dòng chảy chủ lưu nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt. Giải pháp phi công trình vừa ít tốn kém, vừa tận dụng khai thác tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông. Tăng cường thanh kiểm tra việc xây dựng các công trình ven sông; quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông; quản lý giao thông thủy hợp lý; Nghiên cứu xây dựng các công trình cứng như kè chống sạt lở bờ sông và các công trình nắn dòng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để đưa ra các thông số công trình hiệu quả.

Về các giải pháp về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị: "Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh” hoặc cho phép triển khai trước Dự án chống sạt lở sông Hậu. Giao các Bộ, các địa phương thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu; xác định cụ thể những khu vực xung yếu, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ từ quy hoạch, xây dựng công trình, quan trắc theo dõi diễn biến để bảo vệ".

Tại buổi làm việc,  Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang xảy ra ở nhiều nơi vùng ĐBSCL, có những địa phương diễn ra rất nghiêm trọng như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu... ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người dân cũng như hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội. Về nguyên nhân gây sạt lở: các Bộ, Ngành cũng đã đưa ra, nhưng chưa có giải pháp đồng bộ khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, chưa có đánh giá tổng hợp, khoa học cả về tình hình, nguyên nhân từ đó đề ra giải pháp đồng bộ để đưa ra lộ trình phòng chống phù hợp, hiện nay việc xử lý sạt lở còn mang tính tạm thời, bị động. Trước mắt, "Để bảo về tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống  cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao các ngành có liên quan phải theo dõi chặt chẽ, quan trắc, cảnh báo để có kế hoạch cảnh báo sớm sơ tán người dân nhanh nhất, không thiệt hại tính mạng, tài sản. Đối với khu vực phải di dời hoặc tiếp tục sạt lở, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở có việc làm, con em được học hành"- Phó Thủ tướng Chính phủ, Trịnh Đình Dũng lưu ý.

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông, ven biển để kịp thời bảo vệ công trình chống sạt lở, kiểm tra khai thác cát sỏi ven sông, ven biển, đặc biệt là việc khai thác trái phép, không đúng quy hoạch. Về lâu dài các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các ngành lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, cán bộ đối với việc phòng chống thiên tai nói chung, chống sạt lở nói riêng tránh thiệt hại tài sản, tính mạng người dân. Đồng thời, phải xây dựng các công trình bảo vệ khu vực sạt lở, xây dựng các khu tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân, tập trung vào làm trước những công trình cấp bách. Đối với các Bộ, ngành chức năng,  "Tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển, điều tra, đánh giá, những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hướng dẫn các địa phương phân công các đơn vị duy tu, bảo dưỡng các công trình, trồng rừng; rà soát các cấp độ thiên tai trình Chính phủ phê duyệt, rà soát hệ thống quan trắc thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; phối hợp nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng, để phòng chống xói lở, đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đã về và tổng lượng khai thác ở vùng ĐBSCL; tìm nguồn vốn để thực hiện các công trình ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển... Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung xác định các cấp độ rủi ro thiên tai bảo đảm phù hợp hơn với thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai làm cơ sở để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn vùng ĐBSCL và trên phạm vi toàn quốc, kịp thời bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về tài liệu cơ bản thủy, hải văn phục vụ quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống sạt lở.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy; chỉ đạo việc rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

 

Lê Hùng
Nguồn:
Bộ Tài nguyên và Môi trường (monre.gov.vn)

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn