Trang chủ / Tin mới / Phó Thủ tướng kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển tại Cà Mau

Phó Thủ tướng kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển tại Cà Mau

Sáng 29/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để tìm giải pháp ứng phó hiệu quả.

 

 

PTTg Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình trạng sạt lở  tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau. 

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Bộ TN& MT, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các Bộ ngành liên quan. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói: “Cà Mau hiện tại có khoảng 2/3 diện tích bờ biển bị sạt lở. Chỉ tính từ năm 2007 tới nay, ven biển đã bị mất là hơn 4.000ha, đe dọa nhiều khu dân cư ven biển, cần di dân kết hợp tái định cư vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hoặc có giải pháp công trình khẩn cấp để ứng phó để bảo vệ đất đai, tài sản của người dân cùng và các công trình hạ tầng quan trọng khác”. Cà Mau cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương bổ sung và tăng vốn hỗ trợ thực hiện các công trình, dự án chống sạt lở ven biển kết hợp trồng rừng, cũng như các dự án di dân, sắp xếp định cư ven biển, áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ vốn ODA để đầu tư cho các dự án xây dựng kè, đê biển chống sạt lở. Tỉnh cũng xin được tăng hạn mức huy động vốn, cũng như cơ chế đặc thù để huy động vốn từ doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án chống sạt lở ven biển kết hợp với khai thác du lịch…

 

      

                   Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trình ình Dũng cho biết công tác phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoát rừng ngập mặn đang diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cho rằng ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của cả nước, chiếm 13% diện tích cả nước, với dân số gần 20 triệu người, là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của người dân, có phương án sơ tán kịp thời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp; tổ chức quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ ven biển. Đối với những khu vực sạt lở nếu cần thiết phải xây dựng công trình để bảo vệ bờ, đề nghị sắp xếp thứ tự ưu tiên, xây dựng phương án cụ thể, huy động các nguồn lực hợp pháp của địa phương để tổ chức xử lý, trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi và đánh giá hàng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở để đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế về nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy; chỉ đạo việc rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách và nguồn vốn ODA tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là vùng ĐBSCL.

 

# Theo báo cáo số 4242/BC-BNN-TCTL ngày 23/5/2017 của Bộ NN&PTNT, tình hình xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang diễn biến rất phức tạp, đồng thời có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Toàn khu vực có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên tổng chiều dài khoảng 891km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 khu vực, điển hình là sạt lở bờ biển: bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau). Về sạt lở bờ sông: Bờ sông Tiền (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), bờ sông vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang), bờ sông Bò Ót, phưởng Thới Thuận, quận Thốt Nốt (Cần Thơ), bờ sông Cổ Chiên, xã Đại phước, huyện Càng Long(Trà Vinh), kênh Xáng Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011- 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 300.417 ha năm 2011 xuống còn 272.030 ha năm 2016 (giảm 28.387 ha)

 

                  

Tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp khiến trung bình mỗi năm ĐBSCL mất hơn khoảng 500 ha đất. 

 

 Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT
Nguồn: Phongchongthientai.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn