Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp lần thứ 8 Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (ảnh: VGP)
Ngày 22/6, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 278/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp nêu trên. Trong Thông báo kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao vai trò của Ủy Ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm và điều phối xử lý nhiều vấn đề liên ngành, liên vùng trong công tác ứng phó với BĐKH; trong việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế; qua đó nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam về ứng phó với BĐKH trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH chưa đồng bộ, chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế; công tác ứng phó với BĐKH còn bị động, rời rạc, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn lực dành cho các hoạt động ứng phó với BĐKH còn hạn chế;…
Kết luận tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tới các nhiệm vụ chung và nhiệm cụ thể năm 2017 đối với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Cụ thể:
Đối với các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu: (i) Tiếp tục nâng cao nhận thức về BĐKH cho các cấp, các ngành và người dân về BĐKH; thay đổi cách nghĩ, cách làm để tận dụng thời cơ, giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của BĐKH; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, lựa chọn áp dụng kinh nghiệm truyền thống của nhân dân, của các địa phương; tổng kết, đánh giá và áp dụng các kinh nghiệm ứng phó với BĐKH của quốc tế vào thực tiễn ở Việt Nam.
(ii) Đẩy mạnh rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý về ứng phó với BĐKH. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH.
(iii) Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng, địa phương; nghiên cứu tình hình sạt lở đất ở các khu vực ven sông, ven biển, miền núi để có giải pháp cụ thể, kịp thời; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, xây dựng các quy hoạch mới liên quan, trong đó có các quy hoạch: tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư ... trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH, trước hết tập trung vào một số vấn đề cấp bách, ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung.
(iv) Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thích ứng cao với BĐKH và phát thải ít các-bon; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển năng lượng, các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khu vực.
(v) Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh 2016¬2020, Chương trình SP-RCC, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH và các chương trình, kế hoạch và dự án liên quan đến BĐKH đã ban hành; rà soát cập nhật bản đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên Hợp quốc về BĐKH năm 2018.
(vi) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; ưu tiên nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án quan trọng.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể của năm 2017, Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Hội đồng tư vấn đổi mới cách thức hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về BĐKH trong việc xác định rõ những thời cơ, nguy cơ và thách thức để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết sách kịp thời, triển khai các hoạt động thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Cần phải xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của Ủy ban để tham mưu xử lý các giải pháp, nhiệm vụ trọng điểm, cấp bách cho từng địa phương, từng thời điểm. Cần thay đổi, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn để làm tốt công tác tham mưu, phản biện các chủ trương, đề xuất ứng phó với BĐKH, phải chỉ ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực cho từng lĩnh vực, địa bàn; cần tăng cường huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi. Triển khai xây dựng bộ tiêu chí giúp Ủy ban Quốc gia về BĐKH giám sát việc thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH trên toàn quốc.
Các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, rà soát cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao để đưa vào kế hoạch triển khai trong năm 2017. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, định kỳ trước 31 tháng 10 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về cơ quan thường trực UBQG về BĐKH.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; phối hợp với các bộ liên quan trong việc xem xét, đề xuất bố trí, phân bổ nguồn vốn bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH, bao gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần cử cán bộ có năng lực và phẩm chất để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành và địa phương theo dõi, đánh giá chặt chẽ tình hình mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống; tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, đáp ứng tối đa nhiệm vụ tưới tiêu chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, BĐKH; nghiên cứu tổng thể về tình hình sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo sớm phương án với Lãnh đạo Chính phủ.
Bộ Công Thương chủ trì rà soát, xây dựng các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tăng cường việc thực thi các chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải và hàng không dân dụng.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH.
Bộ Xây dựng rà soát các quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng, nghiêm túc thực hiện chủ tương không cấp pháp xuất khẩu cát.
Bộ Ngoại giao chủ trì trao đổi với các nước thượng nguồn sông Mê Công và thượng nguồn các sông lớn chảy vào Việt Nam để có cơ chế trao đổi thông tin thuỷ văn về mùa lũ và mùa kiệt để chủ động ứng phó, quản lý; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực phục vụ công tác ứng phó với BĐKH.
CTTĐT
Nguồn: Monre.gov.vn
Bình luận & Nhận xét
Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn