Trang chủ / Tin mới / Hội thảo khởi động quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

Hội thảo khởi động quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Sáng ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Hội thảo khởi động quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo gồm các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; thành viên của Hội đồng tư vấn cho Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu; đại diện các Bộ, ngành, các đối tác phát triển quốc tế, các đại sứ quán, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế và đại diện các cơ quan truyền thông.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực ngày 4/11/2016, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) kể từ năm 2021 trở đi. Các quốc gia được yêu cầu đệ trình bản mới hoặc bản cập nhật NDC của mình tới Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH trước tháng 3 năm 2020.

Thứ trưởng khẳng định: “Đây là nhiệm vụ quan trọng và có thể có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam, vì thế tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về BĐKH ngày 18/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển và các bên có liên quan rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam.”

 

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH vào tháng 09 năm 2015. Theo INDC của Việt Nam, “Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.

 

 

    

Ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị cần thống nhất để thực hiện việc rà soát, cập nhật NDC theo hướng như sau:

Một là, Việt Nam sẽ rà soát, cập nhật NDC để phản ánh được những yêu cầu mới trong nước và quốc tế. Vì thế, việc rà soát, cập nhật phải trên cơ sở NDC hiện tại, bổ sung thông tin về các chính sách mới của Việt Nam có liên quan đến BĐKH, cũng như các diễn biến mới của quốc tế về BĐKH, thu thập hoặc bổ sung thêm những khía cạnh mà quá trình xây dựng INDC chúng ta chưa có điều kiện xem xét. Mục đích chính và trên hết là làm sao NDC của Việt Nam phải khả thi; phản ánh nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại cũng như dự báo đến năm 2030.

Hai là, NDC là đóng góp của quốc gia, nên cần có sự tham gia xem xét kỹ lưỡng của tất cả các bên đóng góp chính; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện đóng góp. Các bên phải hiểu rõ đóng góp của mình là gì; cần chuẩn bị gì để thực hiện đóng góp đó; trách nhiệm thực hiện thế nào sau khi đóng góp đó được thông qua…

Ba là, để đảm bảo tính tin cậy, khả thi của bản NDC cập nhật, cần thu thập tài liệu, thông tin, kết quả nghiên cứu và nỗ lực ứng phó với BĐKH ở tất cả các lĩnh vực và từ các đối tượng bị tác động của BĐKH. Vì vậy tôi kêu gọi các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các Bộ, ngành cung cấp các thông tin cần thiết hoặc thực hiện các nghiên cứu bổ sung để Nhóm công tác rà soát, cập nhật NDC hoàn thành nhiệm vụ. Bản NDC cập nhật sẽ là kết quả chung của sự nỗ lực, hợp tác, hỗ trợ của tất cả các Bên có liên quan đến ứng phó với BĐKH, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Để thực hiện được những nhiệm vụ rà soát, cập nhật NDC này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ, ngành và các nhà khoa học. Kết quả thực hiện mỗi bước sẽ được thông báo rộng rãi và xin ý kiến của tất cả các bên có liên quan trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các Bộ, ngành sớm cử cán bộ tham gia Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC để có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

“Tôi mong muốn các Bộ, ngành, các địa phương, các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện nhiệm vụ này.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

            

Toàn cảnh Hội thảo sáng ngày 28/6

Tại Hội thảo khởi động, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP và ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cập nhật NDC và khởi động quá trình này kịp thời. Đồng thời, bày tỏ niềm tự hào sẽ là hai đối tác phát triển hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong quá trình quan trọng này từ nay tới năm 2019.

Cũng tại Hội thảo, đại diện các bên liên quan đã đóng góp ý kiến về nội dung, lộ trình và vai trò của mỗi bên trong việc rà soát, cập nhật NDC từ nay đến 2020. Thông qua việc rà soát, cập nhật NDC, Việt Nam hướng tới áp dụng cách tiếp cận tổng thể khi xem xét cam kết của từng ngành cũng như đánh giá các tác động có thể về mặt kinh tế, xã hội của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

                

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

CTTĐT
Nguồn: Monre.gov.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn