Trang chủ / Tin mới / Vĩnh Phúc: Hội thảo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

Vĩnh Phúc: Hội thảo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

Sáng ngày 27/10/2017 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện đối với “Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Vĩnh Phúc: Hội thảo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

 

Dự Hội thảo có thành viên Hội đồng tư vấn phản biện, đại diện Đơn vị soạn thảo Đề án và Nghị quyết (Chi Cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh). Đồng chí Phan Trường Giang, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện chủ trì Hội thảo.

Công tác bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của quá trình phát triển bền vững, luôn được Tỉnh ủy. HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.Tuy nhiên, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường của tỉnh có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, nước thải, bụi và khí thải từ các khu công nghiệp, làng nghề làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, sự vào cuộc của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã còn chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao; nguồn lực của nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn dàn trải, chưa hiệu quả và chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội…

Góp ý vào dự thảo, các các đại biểu nhất trí cho rằng việc xây dựng Đề án và Nghị quyết là rất quan trọng và cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên trong phần nội dung cụ thể của Đề án và Nghị quyết thì cần tính toán, nghiên cứu kỹ hơn. Cụ thể:

 Đối với Đề án: Phần nội dung đề án chỉ đề cập đến những nội dung liên quan đến môi trường một cách giản đơn, chưa thể hiện được tính chiến lược của Đề án; mục tiêu nêu quá ngắn, chưa bao trùm được những mục đích đạt được về công tác bảo vệ môi trường; số liệu dẫn chứng chung chung, chưa đủ sức thuyết phục…

Các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo cần bố cục lại nội dung Đề án cho hợp lý, tránh trùng lặp; Cần có sự thống nhất trong cách diễn đạt khái niệm “môi trường”; đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về thực trạng môi trường; đưa ra các giải pháp thiết thực, đồng thời cần nghiên cứu thêm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ dịch vụ môi trường và giải pháp về áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào xử lý và giải quyết các vấn đề môi trường

Đối với Nghị quyết: Cần chú ý kỹ thuật trình bày, đánh các đề mục cho hợp lý, tránh trùng lặp. Riêng đối với tiêu đề của Nghị quyết, cần thêm chữ “về” vào trước chữ “tăng cường” để thành câu “Về tăng cường sự lãnh đạo…”; phần nội dung Nghị quyết còn viết dàn trải, chưa cô đọng, xúc tích, tránh đưa nguyên văn một số phần của Đề án sang viết Nghị quyết; phần tổ chức thực hiện, không nên quy trách nhiệm quán triệt cho các đồng chí Tỉnh ủy viên mà chỉ nên là trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, quán triệt. Cần có giải pháp, yêu cầu thực hiện với các cấp ủy Đảng từ cấp huyện xuống cơ sở.

Kết thúc Hội thảo, thay mặt Hội đồng tư vấn phản biện, đồng chí Phan Trường Giang – Chủ tịch Hội đồng đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các thông tin, tư liệu, đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án, Nghị quyết trước khi trình cấp trên xem xét, phê duyệt./.

 
Nguồn: Ngọc Hân - LHHVP

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn