Trang chủ / Tin mới / Quốc hội thông qua 10 nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2018

Quốc hội thông qua 10 nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2018

 
Quốc hội thông qua 10 nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2018
 
Với 417/424 Đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Quốc hội đã nêu 10 nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2018.

Đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Theo dự thảo Nghị quyết, năm 2018, sẽ tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh.

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Dự thảo Nghị quyết dung nêu rõ: Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Với 417/424 Đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề; đồng thời yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng, lao động, việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh. Tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu Quốc hội đề ra; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của Trung ương và chính quyền địa phương; không chuyển vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của hệ thống kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường. Đánh giá, tổng kết hiệu quả hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh. Tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường. Bảo đảm điều kiện kinh doanh bình đẳng của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có giải pháp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm…

Thứ ba, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, coi doanh nghiệp là trọng tâm, động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Tạo cơ chế, chính sách phát triển rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sâu và chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản…

Thứ tư, thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó trọng tâm là đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và công nghiệp; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, logistics, du lịch…

Thứ năm, Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, hiệp hội, ngành nghề trong định hướng, quy hoạch sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ, tích cực tìm đầu ra cho nông sản. Phát triển thị trường truyền thống gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ sáu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích. Tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Thực hiện nghiêm, triệt để chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Xử lý triệt để tình trạng khai thác và phá rừng bất hợp pháp. Cải thiện chất lượng môi trường và xử lý ô nhiễm, nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn dân cư. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, di dân tái định cư ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Xử lý nghiêm tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát, sỏi, đá... trái phép.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; chủ động đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình xung yếu; triển khai đề án điện lưới nông thôn đúng tiến độ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa phòng, chống nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển vừa giải quyết hiện tượng sụt lún nền đất, ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề phù hợp, hiệu quả gắn với thị trường tại các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Nghiên cứu việc bổ sung nội dung về biến đổi khí hậu vào chương trình tuyên truyền, giảng dạy giúp nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng của người dân.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo với cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. Khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển hiệu quả thị trường khoa học, công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả dạy nghề, phát triển thị trường lao động. Thực hiện giải pháp về chuyển dịch lao động nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững…

Thứ tám, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật và thực thi công vụ, chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính công, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, loại bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp...

Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí; chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và những vấn đề dư luận quan tâm. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại. Bảo đảm an toàn thông tin; khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin. Vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật.

Thứ mười, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn. Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu (COP21). Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân Việt Nam.

Nguồn: Việt Hùng & Hải Ngọc - CTTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn