Trang chủ / Tin mới / Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi”

Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi”

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức  Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi”.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá sát thực công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; việc khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai tại các địa phương; triển khai hoạt động đánh giá nhanh chỗ ở an toàn của người dân, xác định các khu vực có nguy cơ cao để có cơ sở lắp đặt các thiết bị cảnh báo, thông tin, truyền thông tới người dân. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo TW về PCTT Hoàng Văn Thắng chia sẻ tại Hội nghị 

Một trong những nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại là do người dân xây dựng nhà, sinh hoạt và sản xuất ở khu vực ven sông suối, mái dốc theo tập quán sinh sống. Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, đào đường, bạt mái, khai thác tài nguyên bừa bãi còn phổ biến tại một số nơi đã làm gia tăng rủi ro xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất khi có mưa lớn.

Trước tình hình đó, việc các địa phương hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho người dân xác định nhanh về sự mất an toàn về nơi ở trở nên cấp thiết. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra nhằm đánh giá hiện trạng sơ bộ về nơi ở an toàn của các hộ gia đình trong khu vực, góp phần hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp xã.

Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 26/11/2017, đã có 17/19 tỉnh đã tổ chức triển khai, 1.274.673 hộ gia đình được khảo sát ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 83.868 chỗ ở kém an toàn, 5.176 chỗ ở cần di dời khẩn cấp. Tỉnh Lào Cai hiện đang xây dựng kế hoạch kinh phí; tỉnh Bắc Giang chưa thực hiện tại cấp xã.

Trong đó, có 6 tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác này tại các huyện, xã có nguy cơ cao trong địa bàn bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: “Dù cả hệ thống chính trị đã khẩn trương và tích cực vào cuộc, song tổn thất về thiên tai vẫn còn rất lớn với 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta”.

"Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, tại Hội nghị này, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như nhìn nhận và đánh giá sát thực công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tình hình khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai tại các địa phương. Ngoài ra, cần triển khai hoạt động đánh giá nhanh chỗ ở an toàn của người dân, xác định các khu vực có nguy cơ cao để có cơ sở lắp đặt các thiết bị cảnh báo, thông tin, truyền thông tới người dân.

Theo Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ủy viên Thường trực ban chỉ đạo: Tình hình lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở một số tỉnh miền núi xảy ra gần đây, có nguyên nhân do xảy ra mưa lớn cực đoan, các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh kế thiếu bền vững. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai tới cộng đồng và nhận thức của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế; công tác phòng chống thiên tai ở các tỉnh miền núi đòi hỏi cần phải có một chương trình tổng thể để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo của đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai; Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng và đặc biệt là phần chia sẻ của ông Kenichiro Tachi – Chuyên gia JICA, cô vấn về Quản lý Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cùng với TS Vũ Bá Thao – TS Địa kỹ thuật công trình, Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giới thiệu về hệ thống quan trắc và cảnh báo sạt lở đất, lũ quét.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Kenichiro Tachi, chuyên gia Tổ chức JICA, cố vấn Quản lý thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nhật Bản cho biết, cần có các biện pháp phi công trình được thực hiện để hỗ trợ công tác sơ tán và bảo vệ người dân.

Khi nguy cơ thiên tai do mưa lớn sắp gây ra, "thông tin cảnh báo sạt lở đất" sẽ được chính quyền địa phương và Cơ quan khí tượng Nhật Bản cùng thông báo. Đây là cơ sở để đánh giá việc phát lệnh tham mưu sơ tán của thị trường và việc sơ tán tự nguyện của người dân.

Theo ông Vũ Bá Thao, Phòng nghiên cứu Địa lý kỹ thuật, Viện Thủy công, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, các loại bản đồ dự báo và cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về lũ quét, sạt lở đất chưa có, cần phải được xây dựng.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo cho các điểm lũ quét, sạt lở đất là rất cần thiết đối với khu vực có đường giao thông, công trình xây dựng, công trình văn hoá, lịch sử; đồng thời cần thực hiện thí điểm một số trạm quan trắc để dần nhân rộng toàn quốc. 

 

 Nguồn: Văn phòng TT BCĐ TW PCTT

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn