Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, trong năm 2017, hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra. Năm 2018 tiếp tục được dự báo là một năm thời tiết cực đoan với việc gia tăng các cơn bão trái mùa, trái quy luật.
Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2017, diễn biến thời tiết, thuỷ văn trên cả nước có nhiều bất thường. Đây là năm có số cơn bão hoạt động trên biển Đông ở mức kỷ lục với 16 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới. Bão xuất hiện tập trung vào những tháng cuối năm, xảy ra phần lớn ở khu vực Trung Bộ.
Đặc biệt, cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hoà là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đối với khu vực Nam Trung Bộ. Chỉ cách đây ít ngày, cơn bão số 16 cũng được xác định là trái quy luật khi xuất hiện vào cuối tháng 12 và gây ảnh hưởng tới khu vực Nam Bộ.
Trong năm 2017, nắng nóng kỉ lục cũng diễn ra tại nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đợt mưa lũ lịch sử tại miền Bắc và miền Trung trong tháng 10 đã gây ra hậu quả thảm khốc. Rét đậm, rét hại cũng xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ những ngày giữa tháng 12-2017...
Bão số 12 tàn phá tỉnh Khánh Hoà.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, năm 2018, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, khó dự báo. Từ nay tới hết mùa xuân năm 2018, hiện tượng La Nina vẫn duy trì nên miền Bắc sẽ trải qua mùa đông lạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo lí giải của ông Hải, sự bất thường của thời tiết thể hiện rõ qua cơn bão số 1 (bão Bolaven) vừa qua. Thông thường, mùa bão ở biển Đông thường bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 11 hàng năm, trong đó tập trung chủ yếu vào tháng 8, 9 và 10. “Bão Bolaven xuất hiện vào đầu tháng 1 thuộc dạng muộn và hiếm gặp.
Trong 72 năm trở lại đây, trong tháng 1, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 34 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Riêng tại biển Đông chỉ có 7 cơn, nghĩa là trung bình 10 năm mới xuất hiện 1 cơn. Cách đây 7 năm, có một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy, bão Bolaven lần này không chỉ hiếm mà còn đến sớm hơn chu kì 10 năm thường thấy” – ông Hải nhấn mạnh.
Hiện nay, khu vực Tây Bắc – Thái Bình Dương được coi là một trong những “ổ bão” trên toàn cầu khi mà chiếm tới 31% số lượng cơn bão trên toàn thế giới. Trong đó, riêng biển Đông chiếm 40%. Theo các chuyên gia khí tượng, hiện đang có xu hướng gia tăng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bằng chứng là sự xuất hiện của cơn bão Tembin trong tháng 12 và bão Bolaven trong tháng 1.
“Bão Tembin hoàn toàn trái quy luật. Trong lịch sử quan trắc, vùng Tây Nam Bộ chưa từng có bão vào tháng 12. Trước đó, cơn bão Linda năm 1997 xuất hiện từ ngày 31-10 đến 2-11, nghĩa là sớm hơn tới gần 2 tháng. Bão Tembin cũng là cảnh báo sớm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bão đã từng xuất hiện ở khu vực này các năm 1997, 2006, 2016. Điều đó cho thấy, tần suất lặp lại của bão ngày càng tăng lên. Không ai biết chắc là năm nào bão sẽ quay trở lại.
Nguyên nhân gia tăng mưa bão đang được nghiên cứu, tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định là do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mọi quy luật thời tiết. Xu hướng chung là gia tăng các cơn bão trái mùa, trái quy luật và dịch chuyển dần xuống phía Nam" – ông Hải nói thêm.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ đến sớm hơn (trong tháng 1, tháng 2) và diễn biến phức tạp hơn.
Bình luận & Nhận xét
Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn