Trang chủ / Tin mới / Biến đổi khí hậu – Nhìn lại năm 2017

Biến đổi khí hậu – Nhìn lại năm 2017

 
Hội nghị triển khai việc thực hiện Thỏa thuận Paris
 
Năm 2017 ghi nhận nhiều kỷ lục về thiên tai như nắng nóng, lũ lịch sử, bão nhiều – mạnh và bất thường. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống Việt Nam. Năm 2017 cũng là một năm sôi động trong các hoạt động quản lý, thích ứng với BĐKH của Bộ TN&MT.

* 32 tỉnh có kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris

Theo Cục Biến đổi khí hậu, hỗ trợ triển khai Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH là một trong những nhiệm vụ được tập trung ưu tiên triển khai trong năm 2017.

Bộ TN&MT đã thực hiện việc hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện Thỏa thuận Paris, đồng thời đã tổ chức các Hội nghị tại 3 miền triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH ở Việt Nam với sự tham gia của các đại diện từ 63 tỉnh, thành, nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về BĐKH, hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch cũng như giải đáp các vướng mắc cụ thể liên quan trong việc xây dựng Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tính đến nay cả nước đã có 32 địa phương ban hành Kế hoạch này.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện NDC để phù hợp với yêu cầu quốc tế Việc rà soát này là cần thiết để làm rõ hơn các đóng góp của Việt Nam hiện nay cũng như tham gia đánh giá nỗ lực toàn cầu trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH vào năm 2018.

Một nhiệm vụ mới đang được Bộ TN&MT thúc đẩy triển khai là xây dựng “Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu” –(NAP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Hiện dự án đang trong quá trình thu thập thông tin về: tác động của BĐKH và nước biển dâng đến quá trình phát triển KT-XH và điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình triển khai các hoạt động thích ứng BĐKH, đánh giá khả năng thích ứng tại 7 vùng khí hậu; đã tổng hợp tình hình triển khai các hoạt động thích ứng BĐKH tại các Bộ, ngành, địa phương và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng NAP cho các ngành, lĩnh vực…

* Triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh

Chương trình này được xây dựng từ năm 2016 và đến tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt. Hiện nay, Chương trình đang trong giai đoạn đầu, chuẩn bị thực hiện theo đúng các mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu cụ thể phấn đấu của Chương trình đến năm 2020 đối với phần BĐKH sẽ là: hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ Chương trình giai đoạn trước (2011-2015); trồng phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng  hệ thống giám sát BĐKH, hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn; xây dựng, nâng cấp công trình hồ, đập nhằm điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng; xây dựng, nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt phù hợp với Kế hoạch ĐBSCL; giữ ngọt tại các khu vực ven biển; xây dựng, nâng cấp đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của người dân ở những khu vực ven sông, ven biển; xây dựng 01 hệ thống cơ sở dữ liệuvề BĐKH của Việt Nam và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của quốc gia.

* Quản lý giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn

Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu về lâu dài. Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động của Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm kiểm kê 2013 và 2014 làm cơ sở đưa vào Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ hai của Việt Nam (BUR2). Báo cáo này đã hoàn thành và đã đệ trình đúng hạn lên Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH-UNFCC). Hiện Bộ TN&MT đang xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ  3 của Việt Nam cho UNFCCC, dự kiến hoàn thành vào 2018.

Để hội nhập quốc tế, Bộ TN&MT đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thị trường các-bon trong nước và các cơ chế hợp tác khác về giảm nhẹ phát thải KNK theo Thỏa thuận Paris và thực hiện thí điểm trong các lĩnh vực có tiềm năng thông qua dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VNPMR).

Thực hiện nhiệm vụ quản lý về bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi khí hậu xác nhận được 146 hồ sơ đăng ký nhập khẩu, xuất khẩu các chất HCFC và polyol trộn sẵn HcFc-141b. Đồng thời phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân bổ khối lượng nhập khẩu các chất HCFC năm 2017 cho các doanh nghiệp và xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC của các doanh nghiệp để Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu theo quy định. Cục đã thực hiện chế độ báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HCFC năm 2016 theo quy định của Nghị định thư Montreal.

Nguồn: monre.gov.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn