Trang chủ / Tin mới / Gắn kết hoạt động các nước thành viên để phát triển công tác nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai

Gắn kết hoạt động các nước thành viên để phát triển công tác nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai

Từ ngày 26-2 đến 3-3, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão và các hoạt động liên quan, với sự tham dự của 150 đại biểu là người đứng đầu các cơ quan khí tượng thủy văn, các chuyên gia hàng đầu về khí tượng thủy văn của 14 nước thành viên; các nước quan sát viên; quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Khí tượng thế giới, Ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các đại biểu là những người đã từng có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của Ủy ban Bão.

Theo kế hoạch, sáng 28-2, lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập và Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Theo quy định của Ủy ban Bão quốc tế, hàng năm Ủy ban Bão tổ chức Khóa họp thường niên để đánh giá các hoạt động đã thực hiện trong năm qua và đưa ra kế hoạch hợp tác trong năm tới.

Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão nhằm giới thiệu thành tựu chính của Uỷ ban Bão trong việc hỗ trợ, gắn kết hoạt động các nước thành viên để phát triển công tác nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

Khóa họp thường niên là dịp các nước thành viên đánh giá những thành quả trong hoạt động UBB trong năm 2017. Điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương năm 2018; vinh danh các quốc gia, các cơ quan khí tượng đã có những đóng góp to lớn cho hoạt động của Ủy ban Bão quốc tế.

Bên cạnh hai sự kiện chính trên, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia còn tổ chức Hội thảo khoa học (TECO) diễn ra trong các ngày 26 và 27-2 tại Hà Nội với chủ đề “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới về dự báo bão”. Mục đích của Hội thảo: Đánh giá những thành tựu, kết quả nghiên cứu về dự báo bão trên thế giới và các quốc gia thành viên bàn thảo những hướng đi mới cho công nghệ dự báo bão tại các quốc gia…

Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ thuật phân tích, cải tiến công nghệ và các kinh nghiệm trong dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng, triều cường…; Chia sẻ công nghệ mới trong quan trắc, giám sát mạng lưới; công nghệ tích hợp, truyền tin và các hoạt động đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực và các hoạt động, giải pháp ứng phó. TECO đóng góp vai trò là nền tảng để thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác nhiều chiều giữa các cộng đồng khoa học.

Nhân dịp Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới tới Việt Nam tham gia Lễ kỷ niệm và khóa họp thường niên có các hoạt động:

Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới ông Petterri Talaas tiếp kiến, chào xã giao và báo cáo Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hoạt động hợp tác giữa Tổ chức Khí tượng Thế giới với Việt Nam trong lĩnh vực khí tượng thủy văn trong thời gian tới tại Văn phòng Chính phủ (27/02/2018).

Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới ông Petterri Talaas tham gia Tọa đàm với giới nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KTTV của Việt Nam tại Trung tâm KTTV quốc gia (27/02/2018).

# Ủy ban Bão là tổ chức quốc tế được thành lập từ năm 1968 dưới sự đồng bảo trợ của Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương  (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhằm tăng cường và điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

Hiện tại Ủy ban Bão quốc tế có 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên tham gia, Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1979. Với việc tham gia Ủy ban Bão quốc tế, Việt Nam đã có nhiều các hoạt động hợp tác trong công tác KTTV và nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ công nghệ, số liệu, kinh nghiệm đã nhận được nhiều sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo... góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác cảnh báo và dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) đặc biệt là dự báo bão, lũ ở Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối quốc gia của Uỷ ban Bão tại Việt Nam.

 

 Nguồn: Văn phòng TT BCĐ TW về PCTT

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn