Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới năm 2017
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển tham dự và phát biểu tại buổi lễ. Tham dự buổi lễ còn có bà Cecilia Piccioni – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông trong nước.
Hình ảnh “mây” – Vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học
Nhắc đến chủ đề mây, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển chia sẻ, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mây là hình ảnh quen thuộc, mây luôn hiện diện trên bầu trời. Với nhiều người, các đám mây lặng trôi với nhiều hình dạng, kích cỡ phong phú luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thơ ca và nghệ thuật. Trong văn học, mây đã đi vào ca dao, tục ngữ, với nhiều sắc thái ẩn dụ mang đậm tính nghệ thuật, để tạo nên các áng văn chương bất hủ qua thời gian.
Mây cũng là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên bản tin dự báo thời tiết hàng ngày. Hình ảnh các đám mây di chuyển liên tục, phân bố mây khác nhau trên bề mặt địa cầu khi nhìn từ vệ tinh là hình ảnh thể hiện một trong những đặc điểm nổi bật của Trái đất; đồng thời cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trong việc nghiên cứu, hiểu biết về mây với công tác dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV).
Thứ trưởng cho rằng, lựa chọn chủ đề “Hiểu biết về mây” rất gần gũi và rất ý nghĩa đối với công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, cũng là cách tiếp cận hiệu quả nhằm đưa vấn đề khoa học đến cuộc sống thường nhật để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp nhận.
“Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo KTTV...” – Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.
Trên góc độ khoa học, các nhà khoa học ngày nay hiểu rằng mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, thời tiết và cân bằng năng lượng của Trái đất. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.
Để tăng cường hiểu biết về mây, các nhà khoa học trên thế giới đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cách thức phân loại mây, nghiên cứu cơ chế hình thành mây và hình thái khí hậu thời tiết…. Nhân dịp Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố một trong những kết quả nghiên cứu quan trọng về mây đó là Atlas mây Quốc tế.
“Tại Việt Nam, các nhà khí tượng, khí hậu học cũng đã nghiên cứu, kế thừa phân loại mây, hình thành các cơ sở dữ liệu về mây; tham khảo Atlas mây quốc tế để tăng cường thông tin, tri thức về sự hình thành mây, vai trò của mây trong việc điều tiết khí hậu và tạo cơ sở để xây dựng các mô hình dự báo phù hợp, nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ khí hậu, thời tiết dần đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh thiên tai.” – Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nói.
Alas mây Quốc tế có cả phiên bản điện tử, bao gồm nội dung hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn phân loại mây và rất nhiều hình ảnh về mây cùng một số hiện tượng thời tiết khác. Đây là nguồn tài liệu tham khảo toàn diện, có độ chính xác cao về mây, giúp tăng cường hiểu biết, cung cấp dữ liệu quan trọng, góp phần xây dựng các mô hình dự báo thời tiết chính xác hơn, đồng thời, mở ra các hướng nghiên cứu mới, sâu hơn về mây trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp. |
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH trình bày Thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới về Ngày KTTG năm 2017
“Hiểu biết về mây” để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, thủy văn
Các hoạt động nhân dịp Ngày Khí tượng thế giới hàng năm nhằm tôn vinh, ghi nhận kết quả nỗ lực đạt được của ngành; đồng thời để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về KTTV, tầm quan trọng của ngành KTTV trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai. Hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2017 với chủ đề “Hiểu biết về mây”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nêu ra 05 nhiệm vụ đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu về KTTV thực hiện.
Một là, các cơ quan tổ chức nghiên cứu về khí tượng, thuỷ văn tiếp tục rà soát, cập nhật kết quả, sử dụng hiệu quả các nghiên cứu về mây, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, thủy văn tại Việt Nam.
Hai là, xây dựng mô hình dự báo phù hợp trên cơ sở những thông tin, kiến thực cập nhật về mây để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khí hậu chất lượng của ngành, đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Ba là, thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cập nhật, hoàn thiện Atlas mây cho Việt Nam để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí hậu, thời tiết.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, tri thức mới để hiểu rõ hơn về mây, các hiện tượng khí hậu thời tiết khác, thúc đẩy xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo phù hợp, hiện đại.
Năm là, tăng cường nghiên cứu, đưa nội dung về mây vào bài giảng, chương trình các bậc học về khí tượng thuỷ văn; tuyên truyền phổ biến thông tin, trí thức về mây bằng các hình thức phù hợp để nâng cao hiểu biết về mây, tầm quan trọng của ngành khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội và trong công tác cảnh báo dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Cecilia Piccioni, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam đại diện các đối tác quốc tế phát biểu tại buổi lễ
Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành KTTV
Tại buổi lễ, nhìn lại những gì mà lĩnh vực KTTV thế giới đạt được gần 7 thập kỷ qua, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, nhiều thành tựu quan trọng đã tạo ra cơ hội đặc biệt về khoa học và công nghệ cho sự phát triển của ngành KTTV mỗi quốc gia. Từ các nhân tố riêng lẻ ban đầu, các thành tựu mới đã nhanh chóng hội tụ và tạo điều kiện cho việc trao đổi tức thời dữ liệu và sản phẩm khí tượng trên toàn thế giới. Là một trong 191 thành viên của Tổ chức khí tượng thế giới, Việt Nam đã được thừa hưởng những thành quả này trong sự phát triển ngành KTTV của mình.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển gửi lời cảm ơn chân thành tới Tổ chức Khí tượng Thế giới, các quốc gia và các đối tác phát triển đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực KTTV và hy vọng các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Đồng thời, gửi lời chúc mừng của Lãnh đạo Bộ tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, các đồng nghiệp nước ngoài đang công tác, hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của ngành KTTV Việt Nam.
Đại diện các đối tác quốc tế, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia - một trong những đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong công tác KTTV, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV và lũ lụt tại Việt Nam.
Chính phủ Italia đã giúp Việt Nam xây dựng mạng lưới quan trắc tự động cho khu vực các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, bao gồm 17 trạm khí tượng tự động quan trắc, 1 trạm khí tượng - hải văn, 43 trạm thủy văn quan trắc mực nước và 15 trạm đo mưa độc lập; củng cố 5 trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp tỉnh; 1 trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp khu vực và 1 trung tâm dự báo, cảnh báo lũ cấp quốc gia. Hiện nay, I-ta-ly đang tiếp tục hỗ trợ các cơ quan, đơn vị Việt Nam thực hiện các hoạt động phong, chống thiên tai trong khuôn khổ giai đoạn II của Dự án "Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt ở Việt Nam - giai đoạn II". |
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH trình bày Thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới về Ngày Khí tượng thế giới năm 2017 với khẳng định rằng: Mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, thời tiết và cân bằng năng lượng của Trái đất. “Hiểu biết về mây” là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
CTTĐT
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bình luận & Nhận xét
Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn