Trang chủ / Tin mới / Hội thảo Quản lý xói lở bờ biển các tỉnh Miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long

Hội thảo Quản lý xói lở bờ biển các tỉnh Miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long

Những năm qua, dưới tác động tự nhiên và con người, tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển. Trước diễn biến xói lở bờ biển phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, ngày 24/03/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo Quản lý xói lở bờ biển các tỉnh Miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi của 19 tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu long, các cán bộ, các chuyên gia thuộc các cơ quan, đơn vị và đại diện một số Bộ ngành, tổ chức quốc tế liên quan. Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi-Ủy viên thường trực Ban chỉ đạoTW về PCTT và đồng chí Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đồng chủ trì hội thảo

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về hiện tượng, nguyên nhân xói lở bờ biển, đề xuất các giải pháp xử lý , đồng thời cũng nêu lên những thách thức, tồn tại về quản lý tổng hợp bờ biển. 

   Đ/c Trần Quang Hòai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi-phát biểu tại Hội thảo

Tổng kết hội thảo, đồng chí Trần Quang Hoài tóm tắt một số nội dung:

Do tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội, áp lực của gia tăng dân số và những hạn chế của công tác quản lý, đầu tư dải ven biển, cùng diễn biến bất thường của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm tình hình diễn biễn sạt lở ven biển ngày càng trầm trọng, mức độ suy thoái lòng dẫn ngày càng phức tạp. Hiện nay, các nghiên cứu về sạt lở tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, có thể gây lãng phí trong đầu tư. Phó Tổng cục trưởng cũng đánh giá các địa phương đã chủ động phối hợp các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu đưa ra các giải pháp đa dạng, phù hơp, đạt được hiệu quả nhất định, điển hình như tại Cà Mau.

Đề nghị các cơ quan nghiên cứu khoa học phối hợp với các địa phương liên quan nghiên cứu, tổng hợp diễn biến sạt lở, bồi lắng, phân tích đánh giá các giải pháp đang thực hiện để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế tại các khu vực, trong đó chú trọng đến công tác quản lý dải ven biển giữ vững ổn định, nhất là tại hai khu vực Cửa Đại – Hội An và Gành Hào – Bạc liêu. Đồng thời các địa phương cần tăng cường quản lý, nâng cao năng lực cán bộ, nhận thức của người dân để hạn chế thấp nhất tác động của con người đến tự nhiên.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng tránh sạt lở, bồi lắng.

Đối với cơ quan quản lý, cần phải kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình sạt lở, bồi lắng, báo cáo Bộ, tham mưu cho Chính phủ để có sự quan tâm đầu tư hơn nữa, đặc biệt là trong công tác quy hoạch quản lý bờ biển. 

 Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT
Nguồn: Phongchongthientai.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn