Trang chủ / Tin mới / 21 địa phương thảo luận về xây dựng báo cáo công tác môi trường

21 địa phương thảo luận về xây dựng báo cáo công tác môi trường

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thát biểu tại Hội thảo

Ngày 07/12, tại TP.HCM, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề hoạt động quan trắc, báo cáo và xếp hạng công tác bảo vệ môi trường. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở TN&MT và Trung tâm quan trắc của 21 tỉnh thành khu vực phía Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Để giám sát liên tục, chặt chẽ các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thì công tác quan trắc, truyền số liệu các chỉ số môi trường về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát là rất quan trọng. Bộ TN&MT đã ban hành hành, là hành lang pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật quan trọng phục vụ công tác quan trắc môi trường trên toàn quốc.

Trên cơ sở số liệu quan trắc, Bộ TN&MT đang xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường. Năm 2016, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 19 quy định về báo cáo công tác bảo vệ môi trường, nhằm hướng dẫn chi tiết Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường 2014.  Đây là công cụ hướng dẫn các địa phương, Bộ, ngành thống nhất về nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường hang năm. Là công cụ để dần hình thành, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về môi trường ở địa phương làm cơ sở đánh giá về hiệu quả, chất lượng công tác bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở công tác báo cáo môi trường của các địa phương, Bộ TN&MT xây dựng công tác bảo vệ môi trường hàng năm trình Quốc hội.

Trong đó, Bộ chỉ tiêu báo cáo công tác bảo vệ môi trường được quy định tại Thông tư 19 đã tích hợp được một số chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chỉ tiêu môi trường quốc gia, hệ thống chỉ tiêu môi trường ngành tài nguyên và môi trường, cũng như chỉ tiêu của một số bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thành Thiên trình bày các giải pháp thực hiện quan trắc môi trường

Để thực hiện thống nhất giữa các địa phương trên phạm vi cả nước, năm 2017, Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu môi trường được ban hành kèm theo Thông tư 19.Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu môi trờng cho các Bộ, ngành, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố.Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, đến nay mới có 35/63 tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo công tác môi trường  gửi về Tổng cục Môi trường.

Tại Hội thảo, đại diện Sở TN&MT các tỉnh phía Nam như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang... đã nêu những khó khăn trong việc thực hiện báo cáo công tác môi trường theo Thông tư số 19. Đầu tiên chính là ngay lập tức các ngành, các địa phương chưa thể triển khai thêm một khối lượng khổng lồ trong điều kiện bộ máy biên chế ngày càng tinh giản. Nguồn nhân lực chuyên môn về công tác môi trường ở địa phương chưa đủ đáp ứng việc thực hiện báo cáo theo cấp. Đơn cử như, hiện nay mỗi đơn vị cấp xã chỉ có 1 cán bộ phụ trách môi trường, trong khi có 69 chỉ tiêu phải thống kê ở cấp xã thì rất khó thực hiện.

Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu khó tính toán trong điều kiện thực tế. Để thu thập thông tin tính toán được các chỉ tiêu báo cáo về môi trường tại Thông tư số 19, đòi hỏi phải có một nền tảng cơ sở dữ liệu thống kê và điều tra cơ bản đồ sộ, không phải địa phương nào, ngành nào cũng có điều kiện thực hiện và cập nhật hàng năm. Một số chỉ tiêu cần sự phối hợp giữa các sở, ngành trong tỉnh nên việc thực hiện trong những năm đầu còn chậm, chưa thể bảo đảm tiến độ.

  

 Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, một số chỉ tiêu chưa thống nhất về tên và thời hạn báo cáo so với các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu quốc gia của các ngành hiện đang thống kê. Mặt khác, thời hạn báo cáo chỉ tiêu về môi trường là hàng năm, nhưng nhiều chỉ tiêu hiện nay  theo quy định hiện hành đang thống kê định kỳ 2 năm hoặc 5 năm. Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay các địa phương chưa có nguồn kinh phí để thực hiện công tác khảo sát, thu thập, tính toán các chỉ tiêu môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo và cho biết, trên cơ sở các ý kiến này, Tổng cục Môi trường  sẽ nghiên cứu, có thể điều chỉnh các chỉ tiêu đánh giá để phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe và cùng trao đổi một số tham luận của các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế về các giải pháp, công nghệ tiên tiến, tối ưu cho doanh nghiệp và đơn vị quản lý trong hoạt động quan trắc môi trường.
 


Nguồn: monre.gov.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn