Trang chủ / Tin mới / Hội nghị “Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017”

Hội nghị “Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017”

  “Để có Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia tốt, chúng ta không chỉ dựa vào chuyên gia và nguồn vốn nước ngoài mà cần biết cách huy động các chuyên gia trong nước, các bộ, ngành địa phương cùng chung sức xây dựng”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017” diễn ra chiều 17/4, tại Hà Nội. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức.

   Cùng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ, có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường. Hội nghị có sự tham dự của các  thành viên BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo BCH PCTT &TKCN  63 tỉnh/TP, các cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan.

       

                       Bộ trưởng – Trưởng BCĐ.TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường phát biểu

     Sau báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai,  khẩn trương hoàn thiện tổ chức Tổng cục Phòng chống thiên tai để đưa vào hoạt động trước mùa mưa bão năm 2017. Đề xuất tổ chức chuyên trách tại địa phương đảm bảo tính đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng, tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy các Bộ, ngành, địa phương các cấp.

        

                      Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị

       Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai, cần có quan điểm, mục tiêu, giải pháp chỉ đạo hiệu quả mọi tình huống khi thiên tai xảy ra. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về nguy cơ thiên tai, sự cố, hướng dẫn người dân trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, đảm bảo tính chính xác hơn.

       Cuối Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổng kết: năm 2016, thiên tai xảy ra với mức độ đặc biệt. Thiên tai xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và tăng trưởng của nền kinh tế (mất đi 2 tỷ USD, tương đương với gần 1 % GDP của cả nước). Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng như công tác hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể Trung ương, các tổ chức quốc tế đã kịp thời hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người dân vùng bị thiên tai. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp quốc gia chưa xây dựng xong mặc dù luật Phòng chống thiên tai ra đời từ 2014, một số Bộ, ngành còn chưa quan tâm xây dựng kế hoạch phương án PCTT&TKCN, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn mang tính hình thức ở nhiều nơi. Thủ tướng đề nghị cần rà soát, sửa đổi công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập như quy hoạch đô thị không tính đến đường thoát lũ, công trình giao thông gây cản lũ, hồ xả lũ không đúng quy trình  làm tăng ngập ở hạ lưu…Thủ tướng cũng nêu rõ việc thu Quỹ phòng chống thiên tai bất cập chưa cho cấp xã, phường chủ động; công tác xã hội hóa nguồn lực phòng chống thiên tai còn chậm; về quy trình hỗ trợ, khắc phục sau thiên tai còn chậm và máy móc; tình trạng vi phạm pháp luật đê diều và Phòng chống thiên tai còn phổ biến…

 

        

                   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, chỉ đạo tại Hội nghị

      Để triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng đề nghị công tác phòng chống thiên tai cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ với các 9 nội dung:

     Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hệ thống văn bản pháp lý về PCTT, tương thích với hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp cam kết quốc tế về PCTT, đặc biệt khung hành động Sen dai, tuyên bố ASEAN về ứng phó thiên tai, hội nghị Pari 2015 về BĐKH; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng quỹ PCTT theo hướng cấp xã được giữ lại một phần để chủ động trong hoạt động PCTT; sớm hiện đại hệ thống  PCTT chuyên trách từ trung ương đến cơ sở;

     Hoàn thiện Chiến lược quốc gia PCTT và kế hoạch PCTT quốc gia với cập nhật tình hình BĐKH, nước biển dâng và tình hình thời tiết năm 2016, với phương châm phòng ngừa là chính, xác định việc PCTT không chỉ là của cả hệ thống chính trị mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp, với tinh thần trước hết có phương án đảm bảo an toàn cho chính mình và gia đình

     Rà soát xây dựng phương  án nhiệm vụ ứng phó thiên tai và TKCN các Bộ ngành địa phương năm 2017, địa phương xây dựng sát thực tiễn tình hình , phát huy tốt vai trò thường trực của các lực lương; Đề nghị BCĐ TW về PCTT tiếp thu ý kiến, hoàn thiện phương án ứng phó siêu bão báo cáo Thủ tướng CP;

      Nâng cao năng lực phòng ngừa sức chống chịu trước thiên tai, khả năng thích ứng BĐKH, nước biển dâng, các hình thái thiên tai cực đoan khác, nhất là năng lực dự báo cảnh báo, năng lực chỉ đạo chỉ huy ứng phó TKCN, năng lực khắc phục hậu quả thiên tai, năng lực truyền thông, năng lực giáo dục, thực thi pháp luật PCTT; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng làm công tác tham mưu hỗ trợ ra quyết định theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả;

     Áp dụng Khoa học công nghệ vào PCTT, bộ KCHN chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp &PTNT và các cơ quan liên quan ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học và PCTT;

     Xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ chia sẻ dữ liệu PCTT, tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề lồng ghép nội dung PCTT và quy hoạch, kế hoach phát triển kinh tế xã hội Bộ ngành, địa phương

     Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực nhằm xã hội hóa các công tác PCTT. Đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì rà soát cơ chế chính sách để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia PCTT; quy trình hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai đáp ứng yêu cầu khẩn trương, nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất;

      Nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đi liền là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác kinh nghiệm, nguồn lực; hợp tác các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê kong trong việc sử dụng nguồn nước, phối hợp trong TKCN trong khu vực ASEAN và một số nước xung quanh;

      Các Bộ ngành liên quan tăng cường nguồn lực dự phòng phục vụ PCTT, tăng cường dự trữ quốc gia theo luật dự trữ.

      #  Theo báo cáo của Ban chỉ đao trung ương về Phòng chống thiên tai, trong năm 2016, thiên tai xảy ra liên tiếp từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền trong cả nước. Thiên tai diễn ra với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như: rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên,10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, trong đó có 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp đến đất liền đã gây mưa lũ đặc biệt lớn, bất thường và kéo dài trên toàn bộ khu vực miền Trung. Sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi.. Tổng hợp từ các địa phương, thiên tai trong năm 2016 đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại. Hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115 km đê - kè, 938 kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở,…Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng

 Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT
Nguồn: Phongchongthientai.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn