Chiều 18/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và ông (Youssouf Abdel-Jelil) Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc(Unicef) tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị “Hưởng ứng ngày truyền thống phòng chống thiên tai và Tổng kết Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn do Unicef tài trợ”. Cùng dự có Công sứ Nhật Bản, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, các Bộ ngành và các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau chỉ rõ những tác động tiêu cực của thiên tai gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển bền vững, làm gia tăng đói nghèo cũng như những giải pháp và kế hoạch ứng phó thiên tai trong trung và dài hạn.
Trong giai đoạn cuối năm 2015 và năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua diễn ra khốc liệt tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại ước tính về vật chất là 750 triệu đô la. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và người dân, các tổ chức quốc tế đã tích cực trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán và mặn xâm nhập. Cụ thể, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã huy động khoảng 4 triệu đô la từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật Bản triển khai Dự án hỗ trợ tại 10 tỉnh là: Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai, với mục đích giảm thiểu những tổn thương cho những đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ em và phụ nữ. Kết quả, đến nay, đã có trên 78 nghìn hộ gia đình, với gần 322 nghìn người được tiếp nhận hàng cứu trợ….
Tại hội nghị, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết sẵn sàng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các hoạt động phòng, chống thiên tai cũng như kết nối hoạt động với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ khác nhằm huy động nguồn lực, đưa những định hướng chiến lược phòng, chống thiên tai của Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm chú trọng cách tiếp cận lâu dài trong ứng phó thiên tai, điều này đòi hỏi trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia, cấp địa phương phải được lồng ghép quản lý thiên tai.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 30 năm qua, thiên tai xảy ra hàng năm đã khiến 500 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế trung bình khoảng 1% đến 1,5% GDP hàng năm. Trong số 21 loại hình thiên tai được xác định trên thế giới, Việt Nam hứng chịu 20 loại hình thiên tai, chỉ trừ sóng thần. Tính riêng trong năm 2016, thiên tai xảy ra trên cả nước đã khiến 264 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế lên tới trên 39 nghìn 700 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ đô la. Ngoài ra, hơn 1 triệu người ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt sinh hoạt. Thiên tai cũng là nguyên nhân khiến giá trị ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong giai đoạn nửa năm đầu năm 2016…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Phát biểu khai mạc Hội nghị
Trước diễn biến thiên tai trong những năm qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn lớn để hỗ trợ, cùng đồng bào vùng chịu ảnh hưởng vượt qua khó khăn. Tính riêng trong năm 2016, Chính phủ đã bố trí trên 5 nghìn 400 tỷ đồng, cấp phát miễn phí khoảng 23 nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho người dân các tỉnh vùng chịu ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Nhờ đó, đời sống của người dân vùng thiên tai đã từng bước được cải thiện và ổn định. Bên cạnh nguồn lực Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, quốc tế cũng ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam. Điển hình là dự án hỗ trợ người dân 10 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trị giá trên 4 tỷ USD của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc trong giai đoạn từ cuối năm 2015 và năm 2016…Đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nói chung, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nói riêng. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: “Qua tổng kết chương trình phối hợp Ban chỉ đạo sẽ lựa chọn những mặt tốt, điểm hình để nhân, mở rộng cho những vùng nay mai nếu xảy ra thì chúng ta có điều kiện chủ động để ứng phó, nâng cao tinh thần cảnh giác. Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đối tác nước ngoài thông qua Quỹ nhi đồng của Liên hợp quốc để triển khai những chương trình nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của Việt Nam”
Ứng phó thiên tai trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tăng cường nhận thức, hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai với kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai... Đồng thời chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, coi đây là giải pháp căn cơ góp phần hết sức quan trọng trong nhiệm vụ ứng phó, giảm nhệ rủi ro thiên tai có thể xảy ra.
Toàn cảnh hội nghị
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc tại Việt Nam đang xây dựng Dự án "Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu với thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2017 – 2021”. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; Tăng cường năng lực cho cơ quan phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Xây dựng mô hình xã an toàn thiên tai lồng ghép tiêu chí nông thôn mới, xây dựng cộng đồng an toàn và có khả năng chống chịu với thiên tai.
Các đại biểu tại Hội nghị
# Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, trong vòng 30 năm qua, thiên tai xảy ra hàng năm đã khiến 500 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế trung bình khoảng 1 - 1,5% GDP hàng năm. Trong số 21 loại hình thiên tai được xác định trên thế giới, Việt Nam đang phải hứng chịu tới 20 loại hình (chỉ trừ sóng thần). Tính riêng trong năm 2016, thiên tai xảy ra trên cả nước đã khiến 264 người chết và mất tích.Thiệt hại về kinh tế lên tới trên 39.700 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Bên cạnh đó, hơn 1 triệu người ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt sinh hoạt. Thiên tai cũng là nguyên nhân khiến giá trị ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong giai đoạn nửa năm đầu năm 2016…
Bình luận & Nhận xét
Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn