Trang chủ / Tin mới / Sơ kết công tác phòng chống thiên tai 6 tháng đầu năm 2018

Sơ kết công tác phòng chống thiên tai 6 tháng đầu năm 2018

 

Chiều ngày 9/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trong đợt lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc. Đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành đã tham dự Hội nghị.

* Cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, 6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người thiệt mạng và mất tích, 48 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, bao gồm: gồm: 2 cơn bão, 2 ATNĐ, 88 trận dông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại... Trong đó, đặc biệt là đợt rét từ ngày 28/1 - 7/2  có nhiệt độ xuống rất thấp dưới 3 độ C; mưa đá, dông lốc trên diện rộng từ 14-15/4; đợt nắng nóng được đánh giá là gay gắt nhất từ đầu năm đến nay vừa kết thúc  với nhiệt độ cao nhất đã ghi nhận được là 41,60C tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và 40,00C tại Sơn Tây (Hà Nội). Riêng đợt mưa lũ, lũ quét từ ngày 23 - 26/6 vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhất là tại Lai Châu, Hà Giang đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Toàn cảnh hội nghị

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), mặc dù đã có sự nỗ lực, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như nhận thức của chính quyền, ý thức của người dân về PCTT ở một số nơi còn hạn chế, chưa chủ động; Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu PCTT ngày càng cao của xã hội nhất là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thiếu nhân lực chuyên trách, cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu trang thiết bị chuyên dùng… Sự tham gia của các ngành đối với công tác PCTT còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc tuyên truyền, vận động thông qua các hoạt động văn hóa – xã hội.

Ngoài ra biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo đến thời tiết, thiên tai nước ta, đồng thời các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát sỏi) phía thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Đến nay, tại một số khu vực trên cả nước, nhất miền núi Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam… công tác khôi phục, tái thiết sau thiên tai năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 vẫn đang trong quá trình triển khai, nhiều khu vực đang thi công dở dang, chưa hoàn thiện. Một vài nơi, người dân vẫn chưa ổn định chỗ ở. Nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ thiên tai nhất là khu vực ven kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long, cửa sông, ven biển miền Trung…

* Năm 2018 còn 4 – 5 cơn bão

Thông tin về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông ít hơn năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ. Tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm 2018 nước ta chịu ảnh hưởng từ 12-13 cơn bão, trong đó trực tiếp từ 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Đức Cường thông tin về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra và giảm thiểu thiệt hại, định hướng công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện Quy chế hoạt động, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh; đảm bảo các Văn phòng thường trực phải có cán bộ chuyên trách.

Các Bộ, ngành tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ về phòng chống thiên tai trình Thủ tướng chính phủ thông qua trước Quý 3/2018 và tổ chức triển khai thực hiện.

Đôn đốc sớm ban hành Nghị định 66, Nghị định 94; chỉ đạo, đôn đốc xây dựng lực lượng xung kích PCTT đưa vào hoạt động trong năm 2019; cụ thể hóa phương châm 4 tại chỗ tại cơ sở.

Chỉ đạo lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; thúc đẩy chủ hồ chứa tổ chức đo đạc quan trắc thông tin mưa, lũ trên lưu vực; trang bị thiết bị thông tin cảnh báo thiên tai cho trưởng thôn, trưởng bản, người dân.

Bên cạnh kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện cảnh báo, hướng dẫn tới tận người dân PCTT bằng các hình thức đa dạng, thiết thực, gần gũi với cộng đồng.

Các thành viên Ban chỉ đạo quan tâm bố trí kinh phí trong kế hoạch 2019 của Ban chỉ đạo, của các bộ, ngành, địa phương cho công tác PCTT.

Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TN&MT trong công tác phòng chống thiên tai

- Đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai xuất hiện nhanh, quy mô vừa và nhỏ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất là trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm; xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát, cung cấp dịch vụ về khí tượng thủy văn.

 - Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn.

 - Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

 - Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

 - Kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cập nhật tự động dữ liệu thông tin vận hành hồ chứa trước năm 2020.

 - Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới nhằm chủ động trong phòng chống thiên tai.

 - Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cành báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai.



Nguồn: monre.gov.vn

Bình luận & Nhận xét

Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn